M&A là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Mergers and Acquisitions” – “Sáp nhập và Mua lại”. M&A là hành động nhằm giành quyền kiểm soát doanh nghiệp bằng phương thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Đến nay, phương thức này đã không còn xa lạ đối với nền kinh tế Việt Nam. Bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990s – khi Chính phủ tiến hành những cải cách về kinh tế – xã hội một cách sâu rộng và triệt để, xây dựng nền kinh tế thị trường mới của Việt Nam và từng bước phát triển. Trong những giai đoạn tiếp theo M&A diễn ra ngày càng nhiều, trở thành xu hướng và bùng nổ theo từng nghị quyết – chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Thị trường M&A mới (1996-2004)
Đây là giai đoạn sơ khai nhất của “Mua lại và Sáp nhập” tại thị trường Việt Nam. Do chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường mới, tuy nhiên về mặt pháp lý lại chưa ban hành cho hoạt động này mãi cho đến năm 2000. Lúc này, hầu hết các hoạt động kinh tế đều do các doanh nghiệp nhà nước chi phối nên thị trường M&A chưa thật sự tạo thành một “làn sóng” mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng đã có sự thay đổi rõ rệt khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995.
Lịch sử kinh tế ghi nhận chỉ có một số thương vụ nổi tiếng, trong đó phải kể đến “cú hích” khi Unilever mua lại hãng kem đánh răng P/S với giá trị 5 triệu USD. Ngoài ra, còn một số thương vụ khác: Colgate Palmolive thôn tính kem đánh răng Dạ Lan; Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall’s cùng toàn bộ nhà máy dây chuyền sản xuất từ tập đoàn Unilever năm 2003. Bằng những bước chuyển mình đầu tiên trong nền kinh tế thị trường mới, hứa hẹn sự bùng nổ trong thời kỳ hộp nhập mới.
Hoạt động M&A bùng nổ do tự do hóa thị trường (2005-2013)
Sự chuyển dịch đến nền kinh tế thị trường ngày một sâu sắc, được khởi đầu bằng một loạt các dấu mốc quan trọng trên phương diện pháp luật. Hàng loạt các văn bản pháp lý được thông qua như: Luật Cạnh Tranh, Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu Tư, Luật Chứng Khoán được ban hành tạo khuôn khổ và sự phát triển cho việc mua bán, chuyển nhượng, góp vốn của doanh nghiệp. Và đặc biệt, dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của WTO là một “đòn bẩy” để hoạt động M&A diễn ra sôi động.
Trong giai đoạn 2005 – 2013 hoạt động M&A tăng vọt lên với hơn 150 thương vụ trung bình một năm. Con số này giảm đi trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong năm 2007 – 2009. Nhưng đến năm 2011 – 2012 hoạt động M&A đạt đỉnh khi xuất hiện hàng loạt những thương vụ có giá trị cao. Điều này được chứng minh bằng con số, hơn 90 giao dịch có quy mô trên 50 triệu đô la.
Trong giai đoạn này, hưởng ứng hoạt động tái cơ cấu của nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính diễn ra sôi động nhất vượt qua mảng tiêu dùng. SHB gây tiếng vang lớn khi mua lại Habubank với giá trị giao dịch 168 triệu USD và Eximbank mua lại 9,6% cổ phần của Sacombank với giá trị lên đến 100 triệu USD vào năm 2012.
Giai đoạn giao dịch phá kỷ lục (2014-2021)
Đây là thời kỳ nền kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, hoạt động M&A cũng diễn ra dồn dập nhất từ trước tới nay. Các con số về số lượng giao dịch tăng lên gấp 3 lần và quy mô giao dịch tăng lên gấp 2 lần so với giai đoạn 2005 – 2013.
Năm 2017 là một năm kỷ lục về giá trị giao dịch, được thúc đẩy bởi việc ThaiBev mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco với giá 4,9 tỷ USD – thương vụ lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Năm 2017, giá trị giao dịch tăng lên đạt đỉnh 8,7 tỷ USD, giảm xuống 6 tỷ USD vào năm 2019 do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gây ra lo ngại về suy thoái và 5,2 tỷ USD vào năm 2020 do tác động của Covid-19. Bùng nổ trở lại vào năm 2021, với một năm kỷ lục về khối lượng thương vụ (651) và giá trị (8,8 tỷ USD), phù hợp với tình hình M&A toàn cầu.
Các động lực chính cho các chiến lược kinh doanh tạo giao dịch kỷ lục trong giai đoạn này bao gồm: Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư có sửa đổi bổ sung năm 2015 và dấu son Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn như Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Báo cáo M&A 2022: Việt Nam
Việt Nam, ngày 15 tháng 07 năm 2022 – Hoạt động M&A đã diễn ra chậm lại sau khi đạt mức kỷ lục vào năm 2021. Mức độ giao dịch quay trở lại mức tăng trưởng năm 2019 và dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong sáu tháng tới.
Theo báo cáo Các Xu hướng M&A Toàn cầu: Nửa đầu năm 2022, hoạt động M&A vẫn tiếp tục khởi sắc dù đã xuất hiện nhiều trở ngại kinh tế, bao gồm lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng nhanh, cổ phiếu suy giảm và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch đã giảm trở lại mức tương tự như trước đại dịch, xấp xỉ 2 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi so với số liệu ghi nhận trong nửa đầu năm 2020 – giai đoạn kinh tế có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể so với kỷ lục đạt được của năm 2021 với hơn 60.000 giao dịch giá trị hơn 5 nghìn tỷ USD.
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng kỷ lục của thị trường M&A vào cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022 – chẳng hạn như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tối ưu hóa danh mục đầu tư, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và trên hết là nhu cầu công nghệ để số hóa mô hình kinh doanh – những yếu tố tiếp tục có ảnh hưởng đến thị trường giao dịch vào nửa cuối năm 2022.
Triển vọng trong tương lai
Sự bùng phát của Covid-19 tạm thời là một trong những chướng ngại cho tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cũng như toàn thế giới. Tuy nhiên khi các hạn chế liên quan đến Covid đã được nới lỏng, Việt Nam thực hiện chính sách “tìm cách sống chung với dịch bệnh – vừa phát triển kinh tế, vừa ngăn chặn dịch bệnh”. Dự kiến nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ với tư cách là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong ASEAN, với mức tăng trưởng 6,6% vào năm 2022, tiếp theo là Philippines (6,3%) và Malaysia (6,0%).Tự do hóa thị trường cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò là xương sống cho nền kinh tế Việt Nam, với các chính sách của Chính phủ tập trung vào các hiệp định thương mại tự do.
Xu hướng dự kiến
Các yếu tố và xu hướng kinh tế vĩ mô hiện tại đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thương vụ của các ngành theo những cách khác nhau:
Công nghệ, truyền thông và viễn thông
Việc áp dụng kỹ thuật số và công nghệ mới vẫn là một ưu tiên số một – điều này đã giúp CNTT & VT dẫn đầu về số lượng đầu tư thương vụ M&A, chiếm hơn một phần tư khối lượng giao dịch và một phần ba giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022. Xu hướng nhu cầu công nghệ sẽ tạo ra cơ hội giao dịch M&A trong công nghệ phần mềm và công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (5G, trung tâm dữ liệu, vũ trụ ảo (metaverse) và các công nghệ liên quan) vào nửa cuối năm 2022.
Dịch vụ tài chính (DVTC)
Nhu cầu của nhóm ngành này về khả năng số, kết hợp với áp lực liên tục từ các cơ quan quản lý và sự cạnh tranh từ các nền tảng công nghệ và fintech, cho thấy hoạt động M&A sẽ tiếp tục là động lực cho sự chuyển đổi. Điều đó cũng giải thích tại sao DVTC chỉ đứng sau CNTTVT về số lượng thương vụ M&A, chiếm gần 1/4 giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022. Việc tiếp tục tập trung vào công nghệ, nhu cầu đầu tư bền vững và định giá thấp hơn sẽ giữ cho hoạt động M&A sôi động hơn trong nửa cuối năm.
Thị trường tiêu dùng
Hoạt động M&A trong thị trường tiêu dùng trong sáu tháng tới sẽ gắn chặt với những dấu hiệu kinh tế bất ổn tác động đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng. Hành vi tiêu dùng thay đổi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho giao dịch M&A khi các công ty tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh và định vị lại chính mình để tăng trưởng trong tương lai.
Sản xuất công nghiệp và ô tô
Sự tập trung vào công nghệ và số hóa các mô hình kinh doanh, đầu tư vào chuỗi cung ứng và lực lượng lao động sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A trong sản xuất công nghiệp và ô tô.
Năng lượng, tiện ích và khai thác
Việc tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng và tập trung vào an ninh chuỗi cung ứng sẽ thúc đẩy giao dịch M&A trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng và cung cấp năng lượng quốc gia trong nửa cuối năm 2022.
Y tế
Nhu cầu cao về công nghệ sinh học và công nghệ cải tiến mới – chẳng hạn như vắc-xin mRNA, liệu pháp gen và chăm sóc sức khỏe từ xa đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, các công ty dược lớn có thể sẽ thực hiện nhiều giao dịch nhỏ hơn để tránh sự kiểm soát và quy định phức tạp mà các giao dịch lớn hơn có thể mang lại.
Quan điểm & ý kiến
M&A là một phương thức tạo ra giá trị gia tăng thêm nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần và tăng doanh thu. Việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp xâm nhập vào thị trường mới, mở rộng dây chuyền sản xuất, chi nhánh, dự án, quy mô doanh nghiệp tăng lên. M&A có lợi ích giúp giảm chi phí nhân lực ở các công đoạn trung gian và công việc gián tiếp, sàng lọc các nhân sự làm việc chưa đạt hiệu quả. Doanh nghiệp có thêm khả năng tiếp cận nguồn vốn, phân tán rủi ro, tăng cường minh bạch về tài chính, sự chuyên môn hóa được nâng cao. Khi các doanh nghiệp sáp nhập hoặc mua lại có thể tiếp nhận trình độ công nghệ – kỹ thuật của nhau để tạo lợi thế cạnh tranh. Đây là một phương thức hứa hẹn nhiều lợi ích đem lại cho doanh nghiệp, dự kiến sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong các năm tới.