Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Tuy nhiên, không phải bất kỳ sản phẩm thức ăn chăn nuôi nào trước khi nhập khẩu cũng yêu cầu kiểm dịch, do đó chúng tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi từ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gửi về LAVN yêu cầu giải đáp thắc mắc liên quan đến thủ tục này. Đó là lý do chúng tôi chia sẻ bài viết hôm nay mong rằng các thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm: Thủ tục đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi
Văn bản pháp luật
Luật thú y 2015
Thông tư 09/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
Khi nào thức ăn chăn nuôi phải làm kiểm dịch?
Theo khoản 2 Điều 47 Luật thú y quy định
Đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, Cục Thú y thực hiện kiểm dịch như sau:
- Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định;
- Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến;
- Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.
Sản phẩm động vật là gì? Tại Luật thú y 2015 quy định sản phẩm động vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm:
- Sản phẩm động vật trên cạn là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn;
- Sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản.
Như vậy, dựa trên danh mục các sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch được ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 35/2018/TT-BNNPTNT quy định thức ăn gia súc, gia cầm chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật phải thực hiện kiểm dịch khi nhập khẩu sản phẩm.
Theo quy định trên thức ăn chăn nuôi có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật (Ví dụ như: Thịt heo, thịt bò, cá hồi…) phải thực hiện kiểm dịch động vật.
Mục đích của việc thực hiện kiểm dịch thức ăn chăn nuôi
Không ít doanh nghiệp thắc mắc đặt câu hỏi với LAVN rằng tại sao phải cần kiểm dịch thức ăn chăn nuôi khi nhập khẩu?
LAVN trả lời câu hỏi trên như sau: Kiểm dịch thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là các biện pháp của Nhà nước áp dụng cho thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ động vật để tránh việc sản phẩm được làm từ động vật đó có thể mang theo mầm bệnh để lây lan vào vật nuôi và môi trường vật nuôi trong nội địa, chứ không phải là kiểm soát các tác nhân gây ra bệnh cho con người.
Ví dụ: Do Canada đang có dịch bò điên nên nhiều nước cấm nhập khẩu các sản phẩm có chứa thịt bò được sản xuất từ Canada, trong đó có cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Vì vậy, có những loại thức ăn chăn nuôi mặc dù đã thực hiện thủ tục công bố nhưng không đạt kết quả kiểm dịch cũng sẽ không thể thông quan nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này và nên tránh lựa chọn các sản phẩm có chứa thành phần từ động vật được sản xuất từ các nước đang có dịch bệnh để không bị rủi ro khi làm thủ tục hải quan.
Làm kiểm dịch ở đâu và khi nào?
Trước khi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật, chủ hàng phải gửi Cục Thú y 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch. Cục thú y sẽ có văn bản hướng dẫn kiểm dịch gửi chủ hàng, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (đối với trường hợp chủ hàng đăng ký trên Cổng thông tin một cửa quốc gia) hoặc gửi thư điện tử (đối với trường hợp chủ hàng đăng ký qua dịch vụ bưu chính, bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax hoặc gửi trực tiếp).
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch bao gồm:
- a) Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu của tổ chức, cá nhân;
- b) Đối với sản phẩm động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định.
Nếu thấy những thông tin trên là hữu ích, hãy vote 5* cho bài viết để chúng tôi có thể động lực chia sẻ thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm hay. Trường hợp bạn đang tìm đơn vị tư vấn đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi, hãy liên hệ ngay với LAVN để được hỗ trợ nhanh nhất nhé.