Tuy là hai trong số những hoạt động thương mại phổ biến nhất hiện nay nhưng không phải ai cũng nắm được sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại. Và để tránh những sự nhầm lẫn không đáng có, bài viết dưới đây của LAVN sẽ giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn cũng như phân biệt rõ ràng hai hình thức thương mại này.
I. Khái niệm nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại
Khái niệm nhượng quyền thương mại
Điều 284 Luật thương mại năm 2005 quy định nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại diễn ra khi bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thỏa mãn các điều kiện mà bên nhượng quyền đưa ra.
Khái niệm đại lý thương mại
Điều 166 Luật thương mại 2005 có quy định đại lý thương mại là hoạt động thương mại mà bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
II Đặc điểm của nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại
Đặc điểm nhượng quyền thương mại
+ Các hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, cung ứng sản phẩm của bên nhận quyền phải được thực hiện theo yêu cầu và quy định của bên nhượng quyền, phải đồng nhất với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền thương mại.
+ Bên nhận quyền hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát và được nhận hỗ trợ từ bên nhượng quyền đối với việc điều hành kinh doanh theo phương thức nhượng quyền.
+ Bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền (theo quy định tại Hợp đồng Nhượng quyền thương mại) cho bên nhượng quyền thương mại.
Việc nhượng quyền thương mại hướng tới vấn đề về nhãn hiệu, tên thương mại hay nói cách khác ở đây là tài sản sở hữu trí tuệ
Đặc điểm đại lý thương mại
+ Bên đại lý là đơn vị nhận hàng hóa hoặc nhận ủy quyền của bên giao đại lý để bán hoặc cung ứng dịch vụ thuộc quyền kinh doanh của bên giao đại lý. Trong một vài trường hợp khác, đại lý nhận tiền của bên giao đại lý để mua hàng cho bên giao đại lý.
+ Bên giao đại lý nắm toàn quyền sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý.
+ Trừ các trường hợp được thỏa thuận riêng, bên đại lý được nhận thù lao làm đại lý do bên giao đại lý chi trả thông qua hưởng hoa hồng, hưởng chênh lệch giữa giá nhập và giá bán, hoặc một khoản tiền cụ thể được quy định trong hợp đồng làm đại lý.
Đại lý thương mại hướng tới vấn đề về mua bán, cung ứng và chất lượng của hàng hóa
III. So sánh hoạt động nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại
Giống nhau
– Bản chất: Nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại đều là những hoạt động thương mại.
– Mục đích: Hoạt động đại lý thương mại và nhượng quyền thương mại đều nhằm mục đích mở rộng thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, qua đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Khác nhau
– Về trách nhiệm của các bên:
+ Đại lý thương mại: Bên giao đại lý nắm quyền chủ sở hữu hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý vì vậy khi hàng hóa không bán được hoặc gặp vấn đề về rủi ro thì bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, bên giao đại lý có nghĩa vụ đảm bảo về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ và phải chịu trách nhiệm nếu có bất kì phát sinh liên quan đến chất lượng của hàng hóa.
+ Nhượng quyền thương mại: Khi tiến hành nhượng quyền thì bên nhượng quyền và bên nhận quyền được xác định là hai chủ thể kinh doanh độc lập, chỉ cùng kinh doanh dưới một nhãn hiệu, thương hiệu chung của hàng hóa. Vì vậy, bên nhận quyền phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro liên quan đến hàng hóa cũng như chịu trách nhiệm với khác hàng về chất lượng của sản phẩm.
– Về cách thức hoạt động của bên:
+ Đại lý thương mại: Bên đại lý chủ động tổ chức hoạt động kinh doanh bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, không cần đảm bảo sự thống nhất với các bên đại lý khác.
+ Nhượng quyền thương mại: bên nhận quyền có nghĩa vụ chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền, tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền và điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại. Ngoài ra, bên nhượng quyền có quyền kiểm tra hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
– Về nghĩa vụ tài chính của các bên:
+ Đại lý thương mại: Bên nhận đại lý được nhận thù lao do bên giao đại lý chi trả thông qua hưởng hoa hồng, hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán, hoặc một khoản tiền cụ thể được quy định trong hợp đồng giữa 2 bên.
+ Nhượng quyền thương mại: Bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền (theo quy định tại Hợp đồng Nhượng quyền thương mại) cho bên nhượng quyền thương mại.
Nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại khác nhau về trách nhiệm, cách thức hoạt động và nghĩa vụ tài chính giữa các bên.
IV. Kết luận
Hi vọng bài viết trên của LAVN đã giúp cho các bạn hiểu rõ được khái niệm và sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại. Hãy cùng đón chờ những kiến thức kinh tế hữu ích khác trong những bài viết sắp tới của LAVN.