Trong thời gian qua, tại Việt Nam, hình thức kinh doanh thông qua nhượng quyền thương mại được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm. Hàng loạt các thương hiệu kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại được hình thành nhanh chóng bởi ưu điểm về khả năng hạn chế rủi ro cho các chủ thể mới gia nhập thị trường, hạn chế chi phí đầu tư,…Tuy nhiên, quá trình nhượng quyền thương mại liên quan đến nhiều lĩnh vực phức tạp, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ. Bản thân quyền thương mại được hình thành từ các quyền liên quan đến nhiều đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, việc kiểm soát sở hữu đối với loại tài sản này không dễ dàng. Để giúp khách hàng tìm hiểu rõ hơn về yếu tố sở hữu trí tuệ trong hoạt động nhượng quyền thương mại, Lavn xin gửi tới quý độc giả bài phân tích về các yếu tố sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại.
Theo điều 284 Luật thương mại 2005 quy định về khái niệm hoạt động nhượng quyền thương mại:“Điều 284. Nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Từ quy định trên, chúng ta có thể nhìn thấy các nhà làm luật đã sử dụng nhiều yếu tố sở hữu trí tuệ để xác định nội hàm khái niệm quyền thương mại mà bên nhượng quyền có thể trao cho bên nhận quyền. theo đó, bên nhượng quyền có nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng các yếu tố sở hữu trí tuệ này cho bên nhận quyền sử dụng một cách hợp pháp. Đồng thời, các bên đều phải có trách nhiệm bảo vệ các yếu tố này khỏi sự xâm phạm của bên thứ ba để đảm bảo an toàn trong kinh doanh của hệ thống nhượng quyền thương mại. Có thể thấy, các yếu tố sở hữu trí tuệ của là một phần quan trọng của quyền thương mại trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Yếu tố sở hữu trí tuệ trong hoạt động nhượng quyền có thể bao gồm một hoặc một số hoặc toàn bộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một số yếu tố sở hữu trí tuệ thường xuyên xuất hiện trong hoạt động nhượng quyền thường.
Thứ nhất, về tên thương mại: Trong nhượng quyền thương mại, các bên có thể thỏa thuận để bên nhận quyền có thể sử dụng tên thương mại của bên nhượng quyền thậm chí có thể đăng ký và kinh doanh dưới cùng một tên thương mại với bên nhượng quyền. Tuy nhiên, bên nhận quyền không nhất thiết phải sử dụng tên thương mại của bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh, việc sử dụng này hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên trong quan hệ nhượng quyền.
Thứ hai, quyền tác giả: Trong quan hệ nhượng quyền, quyền tác giả thường tồn tại dưới hai dạng là quyền tác giả liên quan đến việc đào tạo bằng video phần mềm máy tính, các ấn phẩm và sách hướng dẫn, cẩm nang điều hành hệ thống có chứa đựng những thông tin mang tính chất sáng tạo, riêng biệt và bí mật mà bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền hoặc là quyền tác giả trong nhượng quyền thương mại cũng được bảo hộ đối với các thiết kế logo biển hiệu. Đây được hiểu là bảo hộ quyền tác giả đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp cho chủ sở hữu. Đối với yếu tố sở hữu trí tuệ này, bên nhượng quyền thường quy định những nghĩa vụ tương đối chặt chẽ cho bên nhận quyền. Theo đó, bên nhận quyền không được sao chép dưới bất kỳ hình thức nào nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của bên nhượng quyền, ngoài ra bên nhận quyền phải sử dụng, khai thác các đối tượng trên theo đúng mục đích, cách thức mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Thứ ba, nhãn hiệu: Trong quan hệ thương mại, nhãn hiệu là một trong những yếu tố thường xuyên được chuyển giao trong tập hợp các yếu tố của các quyền thương mại từ bên nhượng quyền cho bên nhận quyền. Bên nhượng quyền muốn chuyển giao nhãn hiện của mình cho các bên nhận quyền thì phải hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật trong nước và điều ước quốc tế thì quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của bên nhượng quyền mới được xác lập và bảo vệ đối với bên nhận quyền.
Thứ tư, kiểu dáng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp được coi là một trong những yếu tố góp phần đặc định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của cả hệ thống nhượng quyền. Doó đó, để đảm bảo tính đồng bộ, tính nhất quán của hệ thống nhượng quyền thương mại, khi thực hiện việc nhượng quyền, bên nhượng quyền đồng thời phải chuyển giao cả quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm của mình cho bên nhận quyền. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo cơ chế đăng ký. Việc đăng ký sẽ giúp cho bên nhượng quyền bảo vệ được quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp khỏi sự xâm phạm của bất kỳ chủ thể nào trong xã hội.
Thứ năm, về bí quyết kinh doanh: Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bí quyết kinh doanh bao gồm một trong hai hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố bí mật kinh doanh và bí quyết kỹ thuật vì trong quyền thương mại mà các bên trong hệ thống nhượng quyền chuyển giao cho nhau bao gồm cả những thông tin liên quan đến khách hàng, tính hình tài chính, công nghệ pha chế, cách thức tổ chức quản lý, mô hình kinh doanh…Hiện nay, pháp luật Việt nam, yếu tố bí quyết kinh doanh của bên nhượng quyền chưa được bảo vệ một cách toàn diện. Vì vậy, bí quyết kinh doanh thường được bảo vệ một cách tách rời, độc lập dưới dạng bí mật kinh doanh hoặc được phép chuyển giao nhưng chưa được bảo hộ dưới dạng bí quyết kỹ thuật.
Thứ sáu, khẩu hiệu kinh doanh: Khẩu hiệu kinh doanh là một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của bên nhượng quyền và là một trong những đối tượng được chuyển giao khi quyền thương mại được chuyển giao trong hệ thống nhượng quyền. Mặc dù là một yếu tố cấu thành quyền thương mại trong hoạt động nhượng quyền nhưng pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận nó là một yếu tố sở hữu trí tuệ được bảo vệ một cách độc lập mà thường bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. vì vậy, muốn khẩu hiệu kinh doanh được bảo hộ bên nhượng quyền phải đăng ký bảo hộ nó với danh nghĩa là một nhãn hiệu. Việc làm này là cần thiết để bảo vệ danh tiếng của hệ thống nhượng quyền.
Thứ bảy, biểu tượng kinh doanh: Biểu tượng kinh doanh là một trong những yếu tố cấu thành nên quyền thương mại trong hoạt động nhượng quyền. Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005, biểu tượng kinh doanh không phải là đối tượng được bảo hộ. Do đó, trên thực tế, bên nhượng quyền muốn bảo vệ biểu tượng kinh doanh của hệ thống nhượng quyền, họ thường đăng ký bảo hộ biểu tượng kinh doanh với danh nghĩa là một nhãn hiệu. Vì vậy, bên nhượng quyền cần lưu ý về các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu để thực hiện thủ tục đăng ký đối vwois các biểu tượng kinh doanh của mình.
Có thể thấy, các yếu tố sở hữu trí tuệ là bộ phận không thể thiếu trong quyền thương mại mà bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền. Trên đây là bài viết của LAVN LAW FIRM về các yếu tố sở hữu trí tuệ trọng hoạt động nhượng quyền thương mại. Hi vọng bài viết cung cấp được các thông tin cần thiết để độc giả có thể nẵm rõ hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến các yếu tố sở hữu trí tuệ trong quá trình nhượng quyền thương mại.