Pháp luật về Mua bán và Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở Việt Nam

I. Định nghĩa pháp luật mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A)

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể nào về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định một số quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa các bên tham gia thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Cụ thể, pháp luật Việt Nam có quy định về hình thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; quy định chủ thể trong mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; quy định về hợp đồng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; quy định về kiểm soát doanh nghiệp;…

Theo từ điển pháp lý, “M&A” viết tắt của cụm từ “ Mergers and acquisitions”. Mergers có thể được dịch là sáp nhập nhưng căn cứ trên hệ quả sau vụ sáp nhập thì Mergers còn bao gồm cả hình thức hợp nhất doanh nghiệp. Acquisitions được dịch là mua bán hoặc mua lại doanh nghiệp.

Như vậy, pháp luật về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp có thể được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội quát sinh giữa các bên trong việc ký kết hợp đồng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp trong việc đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc thực hiện kiểm soát nhà nước về tập trung kinh tế.

II. Cơ sở pháp lý áp dụng cho hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở Việt Nam

2.1. Pháp luật quốc gia

a) Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) theo quy định của pháp luật doanh nghiệp

Theo khoản 31 điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định định nghĩa của tổ chức lại doanh nghiệp:“31. Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.”Pháp luật doanh nghiệp đã ghi nhận hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp là một trong các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp.

Theo Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ một số đối tượng nhất định.

Theo điều Điều 192 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về bán doanh nghiệp tư nhân quy định: “1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác…”

Theo điều 51 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc mua lại phần vốn góp và điều 52 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH.

Theo điều 126 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc bán cổ phần và điều 127 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần.

Bên cạnh đó, điều 200 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về hợp nhất công ty: “1. Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất…”

 Theo Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về sáp nhập công ty: “1. Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Pháp luật doanh nghiệp không có quy định về định nghĩa về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nhưng pháp luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể về nội dung, thủ tục trong quá trình hoạt động này.

b) Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) theo quy định của pháp luật Đầu tư

Theo khoản khoản 2 điều 21 Luật đâu từ 2020 quy định về một trong các hình thức đầu tư : “2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.”

Bên canh đó, theo Điều 24 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo quy định trên thì nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều được đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế nhưng phải đáp ứng các quy định, điều kiện theo pháp luật.

Như vậy, pháp luật đầu tư cũng đã quy định về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, trong đó một số chủ thể đặc biệt được quyền tham gia vào quan hệ này, đó là nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

c) Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) theo quy định của pháp luật Cạnh tranh

Pháp luật về cạnh tranh có quy định về các hình thức tập trung kinh tế tại điều 29 Luật cạnh tranh 2018, tập trung kinh tế được thể hiện dưới các hình thức như sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp;…Tuy nhiên, mục đích của pháp luật cạnh tranh là taọ điều kiện và cơ hội để các doanh nghiệp tự do cạnh tranh theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng nên việc quy định sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp không chủ yếu quy định về quyền và nghĩa vụ các bên hay hình thức thủ tục thực hiện việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp mà quy định chủ yếu về các giới hạn và kiểm soát của cơ quan nhà nước nếu việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại này tạo ra thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế, gây tác động hoặc khả năng tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

d) Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Chứng khoán

Pháp luật chứng khoán đã ghi nhận việc tổ chức lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo khoản 1 Điều 93 Luật Chứng khoán 2019. Tuy nhiên, chứng khoán là một lĩnh vực đặc biệt nên khi muốn tổ chức lại, công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán cần phải thực hiện một số thủ tục nhất định như công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện, hay công bố thông tin cho khách hàng…

e) Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Các tổ chức tín dụng

Theo khoản 1 Điều 153 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.Tuy nhiên, do tính chất đặc thù liên quan đến an ninh kinh tế nên các quy định về việc mua bán và sáp nhập tổ chức tín dụng có những điểm hạn chế nhất định được quy định cụ thể tại thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, Thông tư số 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành. Chẳng hạn, về chủ thể mua bán, sáp nhập là các tổ chức tín dụng hay hệ quả pháp lý của mua lại tổ chức tín dụng là tổ chức tín dụng bị mua lại trở thành công ty trực thuộc của tổ chức tín dụng mua lại…

2.2. Điều ước quốc tế

a) Cam kết trong khu vực WTO

Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện đầy đủ các cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ tại thời điểm hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài được phép được tham gia đầu tư vào hầu hết doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ tại Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trừ các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Sự mở rộng này là cơ hội cho hoạt động đầu tư thông qua hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể về việc hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài như dịch vụ liên quan đến lâm nghiệp, săn bắn và nông nghiệp; Dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng… Việc quy định ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp làm hạn chế hoạt đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc giới hạn đối với một số ngành nghề dịch vụ thương mại là phù hợp, hợp lý bởi lý do an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

b) Cam kết trong khu vực ASEAN

Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực ASEAN nên Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong khu vực ASEAN. Cụ thể tại Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN đã nêu rõ mục tiêu của Hiệp định là xây dựng một Khu vực Đầu tư ASEAN có môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm tính rõ ràng và nhất quán trong việc áp dụng và giải thích các luật, quy định và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư của nước mình, nhằm tạo ra và duy trì một chế độ đầu tư có thể dự đoán trước trong ASEAN. Với mục tiêu nêu trên, các cam kết trong khu vực ASEAN đã tạo sự thuận lợi, dễ dàng cho các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài.

c) Cam kết trong các hiệp định song phương

Bên cạnh các hiệp định đa phương ở trên, Việt Nam còn ký kết các hiệp định song phương với nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới ghi nhận đến hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Pháp; Hiệp định khuyến khích, bảo hộ và tự do hoá đầu tư Việt Nam – Nhật Bản;…

Tuy không có bất kỳ định nghĩa nào về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nhưng pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể, rõ ràng về các nội dung cũng như thủ tục đối với hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại các nguồn luật khác nhau. Đây là cơ sở để các cá nhân, tổ chức được bảo đảm quyền lợi trong các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. LAVN LAW FIRM trân trọng cảm ơn các độc giả đã quan tâm đến vài biết “Pháp luật về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở Việt Nam”.

5/5 - (1 bình chọn)