Pháp luật thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam

Nhượng quyền thương mại là sự nhân rộng mô hình kinh doanh của bên nhượng. Việc tạo ra tính độc đáo và đồng nhất của mô hình kinh doanh đóng vai trò then chốt đối với hoạt động kinh doanh thương mại. Vì vậy, tính đồng nhất trong các mắt xích của chuỗi nhượng quyền thương mại chỉ có thể bảo đảm khi các bên nhận quyền tuân thủ mô hình kinh doanh, khai thác bí quyết kinh doanh một cách nhất quán. Để đạt được mục đích này, bên nhượng quyền thường đưa vào hợp đồng các điều khoản độc quyền về lãnh thổ, độc quyền về cung cấp sản phẩm và trong một số trường hợp còn ấn định giá bán lại sản phẩm. Tuy các thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh này cần thiết để duy trì sự ổn định của hệ thống, bảo vệ bí quyết kinh doanh, uy tín của thương hiệu nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các bên nhận quyền, người tiêu dùng và doanh nghiệp khác trên thị trường do do sự độc quyền thị trường hóa làm cho quy luật thị trường bị khống chế, làm thay đổi quy luật phát triển của thị trường với một nhóm các doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty cổ phần Inmergers xin giới thiệu bài viết về pháp về thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam như sau:

Thỏa thuận độc quyền là sự thống nhất ý chí giữa các bên trong một giao dịch, thỏa thuận này có thể được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế- xã hội. Thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là sự thỏa thuận, thống nhất hành động của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hoạt động một cách độc lập giữa các đối thủ. Có thể thấy, thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là một dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Ở Việt Nam, các thỏa thuận này được xác lập thông qua sự thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, nó được xác định là vô hiệu nếu sự thỏa thuận này vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép nên việc tìm hiểu các quy định pháp luật về thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là cần thiết để loại bỏ các rủi ro pháp lý khi thực hiện các giao dịch.  

Thứ nhất, quy định chung của pháp luật hợp đồng

Hợp đồng nhượng quyền thương mại chủ yếu thực hiện thông qua các hợp đồng. Điều khoản thỏa thuận độc quyền là một thỏa thuận hợp đồng nên nó phải tuân thủ tất cả các điều kiện do pháp luật về hợp đồng quy định. Tức là, nội dung và mục đích của thỏa thuận độc quyền phải hợp pháp và tuân thủ các quy định của hợp đồng theo Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 chỉ mới quy định chung về các nội dung, hình thức về các điều khoản của hợp đồng mà chưa quy định cụ thể về hợp đồng nhượng quyền cũng như thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng độc quyền.

Thứ hai, quy định của pháp luật thương mại

Các quy định điều chỉnh trực tiếp việc ký kết và thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định cụ thể trong Luật thương mại 2005, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương… kiểm soát về việc đăng ký hợp đồng nhượng quyền thương mại, nội dung các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng,…cho phép các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thỏa thuận một số điều khoản có nội dung hạn chế cạnh tranh. Chẳng hạn, tại khoản 1 điều 284 Luật thương mại 2005 quy định về việc bên nhượng quyền có thể yêu cầu bên nhận quyền mua bán hàng hóa, cung ứng dịch cụ do bên nhượng quyền quy định : “1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;”

Thứ ba, quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Quyền thương mại là đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại, đồng thời là đối tượng bảo hộ của sở hữu trí tuệ, các đối tượng đó kết hợp thành một gói các quyền có thể chuyển giao. Vấn đề chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu về việc bảo hộ trọn vẹn, thống nhất các yếu tố tạo nên quyền thương mại là đặc điểm nổi bật trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ. Do đó, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại không thể thoát ly được các chế định pháp luật sở hữu trí tuệ. Luật sở hữu trí tuệ là cơ sở để các bên định dạng các yếu tố cấu thành của quyền thương mại, nhận biết tính hợp pháp khi chuyển giao các yếu tố đó. Chẳng hạn theo điểm c khoản 2 điều 144 Luật sở hữu trí tuệ 2006 không cấm việc các bên trong hợp đồng ký kết điều khoản về duy trì tính đặc trưng của mạng lưới nhượng quyền thương mại “c) Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;”. Hay tại khoản 1 điều 143 Luật sở hữu trí tuệ 2005 ghi nhận hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp dưới dạng hợp đồng độc quyền.

Thứ tư, quy định của pháp luật về cạnh tranh

Các văn bản pháp luật về cạnh tranh quy định các chế tài áp dụng đối với các hành vi cản trở tự do cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh có tác dụng gián tiếp điều hòa hợp đồng, trực tiếp điều chỉnh thỏa thuận độc quyền tồn tại dưới dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các điều khoản, thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại chứa đựng các những nội dung có thể cản trở tự do cạnh tranh thì phải tuân theo các điều kiện do pháp luật cạnh tranh quy định.

Cụ thể, pháp luật cạnh tranh là công cụ vạch ra giới hạn được phép mà trong giới hạn đó, mọi sự sáng tạo của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại đều được chấp nhận. Điều chỉnh cụ thể các thỏa thuận độc quyền tồn tại dưới dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đưa ra các quy định cấm tại điều 12 Luật cạnh tranh 2018, miễn trừ điều 14 Luật cạnh tranh, và các chế tài, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại Luật cạnh tranh 2018 và nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Cụ thể, theo khoản 8 điều 11 Luật cạnh tranh 2018 quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: “8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.”. Theo khoản 3 điều 12 Luật cạnh tranh 2018 quy định: “3. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.” Và tại điểm a điều 11 nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định về Nội dung đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: “a) Đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 5%”. Như vậy, các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan dưới 5% thì thỏa thuận duy trì tính đặc trăng và uy tín của mạng lưới nhượng quyền thương mại mặc dù có thể bị coi là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhưng vẫn được phép thực hiện.

Như vậy, pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ một số thỏa thuận và bảo vệ một số các thỏa thuận nhằm bảo vệ lợi ích của các bên trong quan hệ nhượng quyền thông qua việc cho phép các bên được thỏa thuận, ghi nhận một số điều khoản độc quyền ràng buộc mang tính hạn chế cạnh tranh khi điều khoản đó được coi là cần thiết nhằm duy trì tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền và quyền kiểm soát hợp lý của bên nhượng quyền đối với quyền sở hữu trí tuệ của mình. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng điều chỉnh đối với các thỏa thuận nhượng quyền thương mại có tác động làm hạn chế cạnh tranh đối với thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, do thực tế có nhiều công cụ pháp lý hiện nay được sử dụng để kiểm soát thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, nhưng giữa các quy định đó chưa có sự thống nhất và cơ chế phối hợp kiểm soát hiệu quả, dẫn đến việc kiểm soát hành vi tương đối phức tạp, thiếu thống nhất, thậm chí chưa có giải pháp kiểm soát triệt để. Do đó, khách hàng cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ các quy định liên quan đến thỏa thuận độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại nhằm hạn chế các rủi ro cần thiết.

5/5 - (1 bình chọn)