Nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ

Nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ là hoạt động chuyển quyền gắn liền với các yếu tố sở hữu trí tuệ, là một trong những quyền tài sản vô hình, khó khăn trong việc xác định cụ thể nên nhiều cá nhân, tổ chức chưa nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ nên họ đang bị nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này trong quá trình sử dụng. Do đó, để giúp khách hàng hiểu rõ hơn sự khác nhau giữa các thuật ngữ trên, LAVN LAW FIRM gửi tới quý khách hàng bài viết về việc phân tích sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ dưới đây:

Thứ nhất, cơ sở pháp lý

Chuyển giao công nghệ được quy định tại Luật chuyển giao công nghệ 2017.

Theo khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định: “7. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.”

Nhượng quyền thương mại được quy định tại Luật thương mại 2005, cụ thể tại điều 284 Luật thương mại 2005 quy định về nhượng quyền thương mại quy định:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Như vậy, hai thuật ngữ này được quy định cụ thể tại các văn bản pháp lý khác nhau.

Thứ hai, phạm vi đối tượng 

Đối tượng chuyển giao công nghệ là chuyển giao các kiến thức tổng hợp của công nghệ hoặc cung cấp các máy móc, thiết bị, dịch vụ, đào tạo,… kèm theo các kiến thức công nghệ cho bên nhận chuyển giao.

Trong khi đó, đối tượng nhượng quyền thương mại là quyền thương mại, bao gồm các quy trình, cách thức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định, quy trình quản lý, huấn luyện nhân viên, thiết kế địa điểm kinh doanh,…

Như vậy, phạm vi đối tượng của nhượng quyền thương mại rộng hơn chuyển giao công nghệ.

Thứ ba, mục đích của các hoạt động thương mại

Về mục đích chuyển giao công nghệ là hoạt động nhằm chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu công nghệ, bí quyết kỹ thuật từ để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Mục đích của nhượng quyền thương mại là mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm của bên nhượng quyền bằng phương thức chuyển giao “quyền thương mại” bao gồm cả việc chuyển giao nhãn hiệu, tên thương mại, công nghệ, bí mật kinh doanh…

Thứ tư, điều kiện chủ thể

Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao có thể là bất kỳ cá nhân nào trong xã hội sở hữu một công nghệ nhất định, có nhu cầu bán lại hoặc có mục đích ứng dụng công nghệ đó vào kinh doanh. Do đó pháp luật không đặt ra điều kiện đối với bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao công nghệ.

Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, để đảm bảo hoạt động này có tính khả thi và hiệu quả, thông thường, pháp luật đều yêu cầu các bên trong quan hệ phải có đăng ký kinh doanh phù hợp với quyền thương mại được chuyển giao từ bên nhận quyền.

Thứ năm, về quyền và nghĩa vụ của các bên

Giữa hai hoạt động còn có sự khác biệt rất lớn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ.Đối với chuyển giao công nghệ, bên nhận chuyển giao có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao để sản xuất ra hàng hoá và hoàn toàn được phép lựa chọn giữ nguyên công nghệ đó để áp dụng hoặc sáng tạo, phát triển công nghệ đó theo hướng tích cực mà không phụ thuộc vào ý chí của bên chuyển giao. Đồng thời, dựa vào các ứng dụng công nghệ chuyển giao, các sản phẩm được tạo ra có thể chứa bất kỳ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại nào mà bên nhận chuyển giao mong muốn.

Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền chỉ được phép sử dụng quyền thương mại bao gồm công nghệ, bí quyết, quy trình kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao theo điều kiện nhất định.. Mọi sự sáng tạo, phát triển công nghệ để sản xuất ra sản phẩm không xuất phát từ ý chí của bên nhượng quyền hoặc phá vỡ tính đồng bộ, hệ thống của hoạt động nhượng quyền đều không được phép và bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng nhượng quyền thương mại. Các sản phẩm, cung ứng dịch vụ phải có cùng chất lượng, mẫu mã và dưới nhãn hiệu hàng hóa do bên nhượng quyền quy định. Bên nhận quyền trở thành thành viên trong mạng lưới kinh doanh của bên nhượng quyền.

Thứ sáu, về kiểm soát và hỗ trợ

Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, về nguyên tắc, sau khi chuyển giao công nghệ xong, bên chuyển giao sẽ không còn nghĩa vụ hỗ trợ hoặc kiểm soát thêm đối với bên nhận chuyển giao, trừ khi các bên có thoả thuận thêm về điều khoản phụ như thời hạn bảo hành, nhiệm vụ huấn luyện nhân viên sử dụng công nghệ chuyển giao.

Trong nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền vừa có quyền kiểm soát toàn diện và chi tiết, vừa có nghĩa vụ hỗ trợ bên nhận quyền, nhằm đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống nhượng quyền.

Trên đây là toàn bộ sự khác nhau giữa chuyển giao công nghệ và nhượng quyền thương mại. LAVN LAW FIRM cảm ơn quý khách hàng đã lựa chọn bài viết của chúng tôi để tham khảo và tìm hiểu về vấn đề nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ. 

nhuong quyen

Rate this post