Nhượng quyền là gì? Quy định pháp luật về nhượng quyền

Ở Việt Nam, vào những năm 90, nhượng quyền chính thức được ghi nhận ở nước ta. Dù ra đời khá muộn, song nhượng quyền đã và đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Để đảm bảo cho hoạt động thương mại này được công nhận, quản lý trên thực tế, nhà làm luật đã ghi nhận hoạt động nhượng quyền này tại các văn bản pháp lý dưới cái tên “nhượng quyền thương mại”. Để có thể hiểu rõ hơn về bản chất của nhượng quyền thương mại, chúng ta tìm hiểu và phân tích định nghĩa về nhượng quyền thương mại theo bài viết dưới đây:

Theo quy định của điều 284 luật Thương mại 2005 định nghĩa về nhượng quyền thương mại:

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Như vậy, nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh, theo đó, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền tiến hành việc kinh doanh gắn liền với các quyền thương mại của mình trong khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn. Đổi lại, bên nhượng quyền phải thanh toán cho bên nhượng quyền một khoản phí nhượng quyền thương mại và chịu sự kiểm soát của bên nhượng quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Có thể thấy, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại đặc thù, có những đặc điểm riêng biệt so với các hoạt động thương mại khác, điều này được thể hiện qua một số những đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể, các chủ thể tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại đều phải đáp ứng những điều kiện nhất định cả dưới góc độ kinh tế lẫn pháp lý. Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, được thực hiện bởi ít nhất hai bên chủ thể khác nhau và độc lập với nhau về mặt pháp lý: bên nhượng quyền và bên nhận quyền.Tuy là hai chủ thể độc lập nhưng bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ ràng buộc mật thiết với nhau trong suốt thời gian nhượng quyền. Bên nhượng quyền tiến hành cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên, thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho bên nhận quyền. Ngược lại, bên nhận quyền có nghĩa vụ chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của bên nhượng quyền.

Thứ hai, về tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền. Đây là một trong những đặc trưng không thể thiếu của hoạt động nhượng quyền thương mại. Cơ sở cốt lõi mang tính bản chất cho việc tồn tại và phát triển của hệ thống nhượng quyền là việc nhân rộng mô hình kinh doanh nhưng phải đảm bảo tính thống nhất về các yếu tố trực tiếp đến quy trình kinh doanh. Tính đồng bộ được thể hiện loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm chất lượng hoàng hóa, dịch vụ; phương thức phục vụ; cách thức bài trí cơ sở vật chất; việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, biểu tưởng kinh doanh, tên thương mại của bên nhượng quyền;…

Thứ ba, về đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại, là quyền thương mại – một loại tài sản vô hình. Quyền thương mại được hiểu là quyền tiến hành kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo cách thức bên nhượng quyền quy định, cùng với đó là việc sử dụng một tập hợp các dấu hiệu nhận diện thương mại như nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo… của bên nhượng quyền.

Thứ tư, về mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, luôn tồn tại một mối quan hệ gắn bó mật thiết và liên tục trong suốt quá trình nhượng quyền. Luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của bên nhận quyền. Chằng hạn, sau khi hình thành mối quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền phải tiến hành cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Bên cạnh đó, bên nhượng quyền thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên đối với những ứng dụng mới áp dụng cho cả hệ thống để đảm bảo tính đồng nhất và hiệu quả của cả hệ thống, là yếu tố gắn kết cả hệ thống nhượng quyền thương mại với nhau thành một khối thống nhất.

Thứ năm, về hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại, từ thực tiễn hoạt động của các bên tham gia quan hệ nhượng quyền thương mại có thể thấy hình thức của hoạt động này cũng rất phong phú, đa dạng.

Thứ sáu, để khai thác quyền thương mại của bên nhượng quyền, bên nhận quyền phải trả một khoản phí chi bên nhượng quyền gọi là phí nhượng quyền. Khoản phí này có thể bao gồm phí nhượng quyền ban đầu và phí nhượng quyền trả định kỳ dựa vào doanh thu hàng tháng, hàng năm của bên nhận quyền. Bên nhận quyền cũng phải chịu mọi chi phí cho việc đầu tư ban đầu cho cửa hàng nhận quyền của mình. Thực chất, đây chính là việc hoàn trả giá trị của đối tượng nhượng quyền cho người chủ đã hình thành lên nó.

Trên đây là bài viết của LAVN LAW FIRM về nhượng quyền là gì? Bài viết nhằm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động nhượng quyền để khách hàng có thể nhận diện hoạt động thương mại này một cách chính xác nhất. Chúng tôi xin cảm ơn quý khách hàng đã tham khảo bài viết trên.

5/5 - (1 bình chọn)