Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp được viết tắt bằng tiếng anh là “M&A”, trong đó, Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). có thể định nghĩa, M&A là hoạt động thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hoặc nhiều doanh nghiệp nhằm giành quyền kiểm soát cũng như sở hữu một phần hoặc cả doanh nghiệp đó. M&A xuyên quốc gia là một hình thức của M&A nói chung và là sự M&A giữa hai hay nhiều doanh nghiệp thuộc các quốc gia khác nhau. Hoạt động M&A xuyên quốc gia được nhìn nhận là một trong các hình thức chính của đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, M&A diễn ngày càng sôi động nhưng luôn kéo theo không ít rủi ro, thách thức gây trở ngại cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro về pháp lý. Và M&A xuyên quốc gia cũng vậy, rủi ro pháp lý là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thương vụ M&A xuyên quốc gia bị đổ bể hoặc gây ra các tranh chấp. Do đó, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề pháp lý cần lưu ý đối với các thương vụ M&A xuyên quốc gia để các bên có thể hạn chế, kiểm soát được rủi ro khi thực hiện các hoạt động này.
Thứ nhất, điều kiện tiếp cận thị trường khi tham gia M&A xuyên quốc gia: Các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường trong pháp luật mỗi quốc gia là không giống nhau. Pháp luật của mỗi nước đặt ra những tiêu chí nhất định để xác định nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A hay những hạn chế về ngành nghề đầu tư, về vốn, giá trị cổ phần được phép sở hữu trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần…
Tại Việt Nam, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được xem xét theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (gồm luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ), cụ thể, tại phụ lục I nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư đã ban hành danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đây là các cơ sở pháp lý mà các nhà đầu tư nước ngoài cần kiểm tra trước khi thực hiện hoạt động M&A tại Việt Nam.
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài cần phải tìm hiểu rõ các quy định và thực tế đối với điều kiện tiếp cận thị trường của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài có dự định thực hiện hoạt động M&A.
Thứ hai, về điều kiện chủ thể khi tham gia M&A xuyên quốc gia: Pháp luật mỗi quốc gia có sự quy định khác nhau về điều kiện chủ thể như năng lực nhà đầu tư nước ngoài, đối tác tham gia thực hiện đầu tư, loại chủ thể…tham gia vào quan hệ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia. Chẳng hạn, tại Việt Nam, hoạt động mua bán và sáp nhập tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện khi bên mua hoặc bên sáp nhập là tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, do sự không thống nhất trong quy định pháp luật, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có thể áp đặt ý chí chủ quan khi xác định tư cách chủ thể tham gia các giao dịch M&A doanh nghiệp làm cho hoạt động M&A trên thực tế gặp nhiều khó khăn hơn.
Thứ ba, về vấn đề tập trung kinh tế: Mỗi quốc gia có đặt ra quy định riêng đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sở hữu thị phần kết hợp ở một hạn mức nhất định. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và mục tiêu tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, pháp luật cạnh tranh quy định cấm hành vi tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Đồng thời, cơ quan nhà nước có sự can thiệp, kiểm soát để hạn chế, ngăn chặn các hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế. Chẳng hạn, tại Việt Nam, đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đạt ngượng tập trung kinh tế, thì doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác. Đây là những lưu ý mà các nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu chi tiết trước khi thực hiện các thương vụ M&A.
Thứ tư, về tình trạng pháp lý doanh nghiệp: Ở giai đoạn đầu của một thương vụ M&A xuyên quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài dễ nhìn nhận sai lầm đối với tình trạng pháp lý của công ty mục tiêu, do sự khác biệt về văn hóa công ty, rào cản chính sách – pháp luật, động cơ, hành vi nhằm che giấu, gây hiểu nhầm giữa các doanh nghiệp khi tham gia M&A. Để tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và rủi ro nhà đầu tư cần tìm hiểu và phát hiện những trường hợp công ty mục tiêu không thỏa mãn những điều kiện đối với hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp để đưa ra quyết định đúng đắn.
Thứ năm, thủ tục thực hiện việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia: Trình tự, thủ tục để thực hiện một giao dịch M&A thành công là vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm. Chẳng hạn như thủ tục về quản lý ngoại hối để kiểm soát việc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc góp vốn, mua bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp trong công ty nội địa, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, mua ngoại tệ để chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan. Hay các thủ tục đăng ký hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền,… Các thủ tục được quy định để ghi nhận cũng như tạo sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp làm phát sinh nghĩa vụ của bên mua lại, bên nhận sáp nhập đối với doanh nghiệp bị mua lại, doanh nghiệp bị sáp nhập như nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ liên quan đến quan hệ lao động và các nghĩa vụ khác liên quan đến khách hàng, đối tác, nhà cung cấp… cũng là vấn đề pháp lý mà nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu kỹ để đưa ra hướng giải quyết phù hợp trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Có thể thấy, với xu hướng sử dụng M&A như một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới trên thế giới không còn là vấn đề quá mới mẻ. Do đó, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên tham gia thương vụ M&A, việc tìm hiểu, nghiên cứu về M&A xuyên quốc gia là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về lý luận khoa học mà còn có giá trị thực tiễn. Trên đây là bài viết của LAVN LAW FIRM về một số vấn đề pháp lý cần lưu ý trong mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia mà các doanh nghiệp có thể tham khảo nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trong hoạt động M&A.