Khai báo tạm trú cho người nước ngoài gồm thủ tục và quy trình như thế nào? Bài viết sau đây được LAVN tổng hợp đầy đủ thông tin cho các bạn tham khảo để biết được rõ những quy định pháp luật, quy trình diễn ra và hồ sơ thủ tục như thế nào.
Quy định pháp luật về khai báo tạm trú cho người nước ngoài

Theo các quy định của Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, người trực tiếp quản lý, điều hành các cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú khi có người nước ngoài tạm trú.
Trong trường hợp người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường/tạm trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định nêu trên, thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Như vậy, có thể kết luận các cơ sở lưu trú trong quá trình kinh doanh, cung cấp dịch vụ lưu trú cho người nước ngoài phải có trách nhiệm khai báo tạm trú cho người nước ngoài với các cơ quan chức năng.
Cơ sở lưu trú dành cho người nước ngoài được quy định như thế nào?
Theo Điều 32 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định: “Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.“
Như vậy, cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam gồm các loại hình sau:
- Các cơ sở lưu trú du lịch
- Nhà khách
- Khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Nhà riêng
- Cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật
Các hình thức khai báo tạm trú
Hiện nay, có 2 hình thức khai báo tạm trú: Khai báo qua mạng tại Trang thông tin điện tử và khai báo trực tiếp bằng phiếu khai báo tạm trú
Khai báo qua mạng
Bước 1: Người khai báo tạm trú truy cập Trang thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt cơ sở lưu trú (sau đây viết tắt là Trang thông tin điện tử), cung cấp thông tin về:
- Tên, loại hình, địa chỉ, số điện thoại, email của cơ sở lưu trú;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số giấy Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của mình để nhận tài khoản khai báo
Lưu ý: Khi có thay đổi các thông tin liên quan đến tài khoản khai báo phải cập nhật sửa đổi, bổ sung ngay thông tin đó trên Trang thông tin điện tử.
Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản khai báo và tiến hành khai báo thông tin cho người nước ngoài.
Thông tin khai báo tạm trú gồm: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài.
Sau đó, người khai báo tạm trú kiểm tra, sửa đổi, bổ sung các thông tin trước khi xác nhận lưu thông tin; kiểm tra mục quản lý thông tin khai báo tạm trú để xác định hệ thống đã tiếp nhận thông tin khai báo
Lưu ý: Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử phải thực hiện ngay khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú
Khai báo trực tiếp bằng phiếu khai báo tạm trú
Bước 1: Người khai báo tạm trú liên hệ trực ban Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) để được cung cấp mẫu Phiếu khai báo tạm trú theo mẫu NA17 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an.
Bước 2: Người khai báo tạm trú ghi thông tin vào Phiếu khai báo tạm trú và chuyển trực tiếp Phiếu khai báo tạm trú cho trực ban Công an cấp xã nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.
Lưu ý: Phiếu khai báo tạm trú có thể gửi trước qua fax hoặc thông báo thông tin qua điện thoại đến trực ban Công an cấp xã trước khi chuyển theo bước 2