Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại

Trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam ngày càng gia tăng các mối quan hệ ngoại giao nước ngoài. Các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng lan rộng thị trường hoạt động kinh doanh của mình, nhượng quyền thương mại là một trong những lựa chọn hàng đầu mà các thương nhân sử dụng phổ biến để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, để thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại trên thực tế, các thương nhân cần đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật. Vì vậy, LAVN xin trình bày, phân tích một số quy định pháp luật liên quan đến điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại tại nội dung bài viết dưới đây.

Theo khoản 1 Điều 5 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại đối với bên nhượng quyền: “Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm.Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 1 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại”. Có thể thấy, pháp luật đưa ra quy định yêu cầu thương nhận bên nhận quyền trước khi mua một hệ thống kinh doanh phải có trải nghiệm trên thị trường trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo hợp đồng nhượng quyền nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm các doanh nghiệp trong nước phải có được những kinh nghiệm nhất định trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc đặt ra đối với các điều kiện về kinh nghiệm kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại làm giới hạn quyền được tự do kinh doanh của các thương nhân. Trên cơ sở đó, nhà làm luật đã sửa đổi quy định tại điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP theo chiều hướng như sau: “Điều 5. Điều kiện đối với Bên nhượng quyền. Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.

Quy định trên được hiểu là, điều kiện áp dụng đối với thương nhân nhượng quyền cần có hệ thống nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm thì mới được thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại. việc quy định như trên là phù hợp với quy định pháp luật. đồng thời, nhằm đảm bảo tính ổn định trong hoạt động kinh doanh nhượng quyền và đảm bảo quyền lợi của bên nhận quyền.

Ngoài ra, tại khoản 2,3 điều 5, điều 7 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định một số quy định về một số điều kiện của bên nhượng quyền, bên nhận quyền về điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, sau khi trở thành thành viên của WTO và Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS, Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc tối huệ quốc hay biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Ban công tác về việc gia nhập WTO. Để phù hợp với quy định này, Nghị định 08/2018/NĐ-CP đã loại bỏ các điều kiện về Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại theo quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP. Tương tự, điều 6 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định điều kiện của bên nhận quyền thương mại đã bị loại bỏ bởi Điều 9 của Nghị định 08/2018/NĐ-CP do có sự thay đổi về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nên Nhà nước không còn quy định về điều kiện đối với bên nhận nhượng quyền thương mại.

Như vậy, với quan điểm hướng tới việc coi hoạt động nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại mà các bên được tự do giao kết hợp đồng và ràng buộc nhau qua hợp đồng, pháp luật Việt Nam chỉ quy định duy nhất một điều kiện đối với bên nhượng quyền trong hoạt động nhượng quyền thương mại là hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất một năm.

Trên đây là bài viết của LAVN về điều kiện nhượng quyền thương mại. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm đến bài viết điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại.

5/5 - (2 bình chọn)