Hiện nay, ở Việt Nam, hoạt động nhượng quyền thương mại đang diễn ra sôi động, ngày càng nhiều thương nhân muốn thực hiện hoạt động nhượng quyền quyền thương mại bởi tính ưu việt mà nó mang lại trong hoạt động kinh doanh đối với cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Tuy nhiên, để hoạt động nhượng quyền thương mại được ghi nhận, các bên phải thực hiện thủ tục với cơ quan có thẩm quyền để được đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Bài viết dưới đây chúng tôi xin giới thiệu thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại như sau:
Thứ nhất, về chủ thể phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP, các trường hợp không bắt buộc đăng ký nhượng quyền thương mại bao gồm:
– Nhượng quyền trong nước;
– Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tuy không phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại nhưng các chủ thể nhượng quyền phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tới Sở Công Thương chậm nhất là vào ngày 15/01 hàng năm.

Thứ hai, Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
– Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
– Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại. Văn bản được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam. Trường hợp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ. Văn bản được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước;
– Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp. Văn bản được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước;
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cấp thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại: Bộ Công thương.
Thứ tư, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân dự kiến nhượng quyền, bao gồm cả dự kiến nhượng quyền ban đầu và dự kiến nhượng quyền thứ cấp, phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền như sau:
– Bên dự kiến nhượng quyền thương mại có trách nhiệm gửi bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại như trên đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại cơ quan đăng ký phải ghi giấy biên nhận. Giấy biên nhận hồ sơ được lập và giao cho thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân, cơ quan đăng ký thu lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước do chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh khác, thương nhân có trách nhiệm đăng ký lại hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan đăng ký nơi mình chuyển đến. Trong hồ sơ đăng ký phải có thêm thông báo chấp thuận đăng ký trước đây của cơ quan đăng ký nơi thương nhân đã đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại địa bàn mới, thương nhân có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký trước đây để ra thông báo chuyển đăng ký.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó;
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương phải có văn bản thông báo để Bên dự kiến nhượng quyền bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bổ sung hồ sơ đầy đủ. Trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại thấy yếu cầu của cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với quy định pháp luật, thương nhận có quyền đề nghị cơ quan đăng ký giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm trả lời đề nghị đó của thương nhân.
– Nếu từ chối việc đăng ký thì Bộ Công thương phải thông báo bằng văn bản cho bên dự kiến nhượng quyền và nêu rõ lý do.
Trên đây là bài viết về đăng ký nhượng quyền thương mại của LAVN LAW FIRM gửi doanh nghiệp. Để được tư vấn vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây
LAVN LAW FIRM
Địa chỉ : Lầu 3, Tòa nhà Lộc Thiên Ân, Số 49 Lê Quốc Hưng, F.12, Q.4, TP. HCM
VP Hà Nội: Phòng 302 – số nhà 94 ngõ 126 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: (028) 6261 6569 | Fax: 028 6261 6639
Email: support@lavn.com.vn | Website: www.lavn.com.vn