Không chỉ những sản phẩm liên quan trực tiếp đến con người như thực phẩm, mỹ phẩm,…mới bắt buộc phải thực hiện các thủ tục công bố trước khi lưu hành trên thị trường, mà cũng như bao ngành nghề khác, việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi vẫn cần phải được đăng ký công bố. Như vậy để tìm hiểu về thủ tục đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi được thực hiện như thế nào, đơn giản hay phức tạp hơn việc công bố các loại sản phẩm khác, hãy cùng tham khảo qua bài viết bên dưới.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật chăn nuôi số 32/2018/QH14
- Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết luật chăn nuôi
- Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thuỷ sản;
II. Định nghĩa thức ăn chăn nuôi
Có thể hiểu thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống, mà thức ăn chăn nuôi đó phải đảm bảo hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Trong đó:
- Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.
- Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh
- Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.
- Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác.
Phụ thuộc vào từng loại thức ăn mà thủ tục đăng ký công bố thức ăn trước khi lưu hành trên thị trường sẽ khác nhau. Thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam là thức ăn chăn nuôi có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có) và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm:
- Thức ăn chăn nuôi hỗn hợp
- Thức ăn chăn nuôi đậm đặc
- Thức ăn chăn nuôi bổ sung
Ngoài ra, theo Luật chăn nuôi quy định thức ăn chăn nuôi không phải công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm:
- Thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ là thức ăn chăn nuôi do cơ sở tự phối trộn để dùng cho nhu cầu chăn nuôi của cơ sở, không được trao đổi và mua bán trên thị trường;
- Thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng là thức ăn chăn nuôi sản xuất theo đơn đặt hàng giữa cơ sở đặt hàng với nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, chỉ được sử dụng trong nội bộ của cơ sở đặt hàng, không được trao đổi và mua bán trên thị trường;
Trên đây là định nghĩa tóm lược từ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9123:2014 về Thức ăn chăn nuôi
III. Hồ sơ đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi
Hồ sơ công bố sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc
Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc được chia làm 02 thủ tục cơ bản: Tự công bố sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc trong nước và tự công bố sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc nhập khẩu.
Như vậy, thành phần hồ sơ đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi đầu tiên cần tìm hiểu là đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc sản xuất trong nước:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Hợp đồng thuê, gia công thức ăn chăn nuôi đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thuê, gia công tại cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Tiêu chuẩn công bố áp dụng, văn bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy của sản phẩm;
- Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng được cấp bởi phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận;
- Mẫu của nhãn sản phẩm.
Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc nhập khẩu bao gồm tài liệu sau:
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;
- Một trong các giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương của cơ sở sản xuất;
- Bản thông tin sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp bao gồm thành phần nguyên liệu, công dụng, hướng dẫn sử dụng; chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân đăng ký theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn phụ của sản phẩm thể hiện bằng tiếng Việt theo quy định;
- Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm được cấp bởi phòng thử nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ chỉ định hoặc được công nhận bởi tổ chức công nhận quốc tế hoặc tổ chức công nhận khu vực hoặc phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận;
- Mẫu của nhãn sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp.
Hồ sơ đăng ký công bố thức ăn bổ sung
Mặt khác, sản phẩm thức ăn bổ sung phải thực hiện thủ tục công bố, bao gồm thủ tục công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước và công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu.
Đối với sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước doanh nghiệp cần nộp các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị công bố thông tin sản phẩm;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Hợp đồng thuê, gia công thức ăn chăn nuôi đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thuê, gia công tại cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Tiêu chuẩn công bố áp dụng, văn bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy của sản phẩm;
- Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng được cấp bởi phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận;
- Mẫu của nhãn sản phẩm.
Hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu bao gồm:
- Đơn đề nghị công bố thông tin sản phẩm;
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;
- Một trong các giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương của cơ sở sản xuất;
- Bản thông tin sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp bao gồm thành phần nguyên liệu, công dụng, hướng dẫn sử dụng; chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân đăng ký theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn phụ của sản phẩm thể hiện bằng tiếng Việt theo quy định;
- Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm được cấp bởi phòng thử nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ chỉ định hoặc được công nhận bởi tổ chức công nhận quốc tế hoặc tổ chức công nhận khu vực hoặc phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận;
- Mẫu của nhãn sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp.
Tải mẫu đơn đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi tại đây
IV. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi.
Tất cả các thủ tục đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi được được thực hiện tuyến thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (website: https://dichvucong.mard.gov.vn/).
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành đối với thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc:
Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tự công bố thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc. Thông tin sản phẩm công bố phải phù hợp với hồ sơ công bố đã nêu ở phần III.
Ngay sau khi tự công bố thông tin sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của sản phẩm đã công bố.
Đối với thức ăn chăn nuôi bổ sung trình tự thực hiện thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn:
Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nộp hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ và công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
Cần lưu ý gì khi thực hiện thủ tục
Thứ nhất: đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tổ chức cá nhân đứng tên công bố muốn thực hiện việc kiểm nghiệm sản phẩm tại Việt Nam thì cần làm hồ sơ xin nhập mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Như vậy phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng thử nghiệm trong nước mới được xem là hợp lệ.
Thứ hai: hiện nay Luật chăn nuôi chỉ quy định thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn bổ sung là 05 năm kể từ ngày sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trên Cổng thông tin điện tử. Không quy định về thời hạn lưu hành đối với thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh và đậm đặc, tuy nhiên trên thực tế cơ quan quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi vẫn yêu cầu công bố lại sau khi hết thời hạn 05 năm đối với hai loại thức ăn chăn nuôi này.
Thứ ba: hồ sơ đăng ký lưu hành là bản chính hoặc bản sao có chứng thực và bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực.
Dịch vụ đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản của Công ty Luật LAVN
LAVN có trên 7 năm kinh nghiệm đăng ký các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho các khách hàng trong và ngoài nước. Đến với chúng tôi, bạn sẽ được hỗ trợ các vấn đề sau:
- Tư vấn điều kiện, thủ tục xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi;
- Soạn thảo hồ sơ, đề cương kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi và các giấy tờ cần thiết khác;
- Đại diện khách hàng nộp hồ sơ, đôn đốc quá trình giải quyết hồ sơ, nhận kết quả đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Chăn nuôi hoặc Tổng Cục Thủy sản).
Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này! Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các quy định pháp luật liên quan tại website của Cục chăn nuôi tại địa chỉ sau: http://cucchannuoi.gov.vn/